Nếu bánh dày bánh chưng là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong những dịp lễ đối với người dân Việt Nam thì mochi của Nhật Bản cũng có ý nghĩa tượng trưng giống như vậy. Đối với những ai yêu thích Nhật Bản và đặc biệt quan tâm đến nền ẩm thực của đất nước này chắc lẽ sẽ không còn quá xa lạ với món bánh gạo truyền thống mochi - một loại bánh được làm từ bột gạo nếp khá giống với bánh dày của Việt Nam và có mối liên kết tinh thần sâu sắc với người dân Nhật Bản.
Hơn cả một chiếc bánh
Bánh mochi đối với người Nhật luôn mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Bánh được làm từ gạo, theo quan niệm người Nhật, hạt gạo chính là tinh hoa tinh túy của đất trời, là cội nguồn của sự sống mà thần linh ban phát cho con người, là tượng trưng cho những ước nguyện về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Người Nhật luôn tin rằng, nếu ăn bánh mochi vào ngày đầu năm mới sẽ đem lại cho họ nhiều sự may mắn, thịnh vượng và sức khỏe trong cả một năm. Cũng chính vì lí do đó người Nhật cũng thường có thói quen tặng bánh mochi cho nhau vào những dịp lễ quan trọng.
Người Nhật thường dùng bánh mochi để trang trí nhà cửa vào dịp Tết
Hành trình tạo nên chiếc bánh hoàn hảo
Gạo được chọn làm bánh là đó chính là gạo mochi - loại gạo nếp dẻo, ngọt và có độ kết dính cao. Người làm bánh sẽ trộn đều gạo với đường, nước cốt dừa và đem đi hấp cách thủy. Khi gạo đã chín thành cơm và có mùi thơm sẽ được cho vào cối giã nát để tạo thành một khối bột mịn. Bánh mochi sau khi tạo thành sẽ có hình dáng của những khối tròn nhỏ trông rất dễ thương. Khi ăn, bánh có vị ngọt, dẻo và mùi thơm dịu nhẹ của gạo.
Nguồn gốc trở thành loại bánh quốc dân
Theo nhiều kết quả nghiên cứu người ta đưa ra giả thuyết rằng bánh mochi không phải có nguồn gốc từ Nhật Bản mà nguồn gốc chính của nó là từ Trung Quốc. Trung Hoa đại lục đã từng có thời gian ảnh hưởng, tác động đến văn hóa của Nhật Bản qua một số mặt như chữ viết, trang phục, kiến trúc, tín ngưỡng,... Và bánh mochi được cho là du nhập vào Nhật Bản từ những năm 300 TCN. Bánh Mochi khi đó được làm bằng loại gạo đỏ giàu dinh dưỡng và chỉ được dùng để phục vụ cho các tầng lớp quý tộc mà thôi.
Ngày lễ của mochi
Hằng năm, người dân Nhật Bản chọn ngày 10/10 chính là ngày của bánh mochi. Và ngày này cũng chính là ngày diễn ra Hội thể thao toàn quốc ở Nhật Bản. Có rất nhiều hoạt động thể thao được tổ chức trong ngày này và người dân trên toàn quốc sẽ cùng nhau tham gia hưởng ứng. Tuy nhiên các hoạt động thể thao sẽ cần một sức khỏe đủ bền đủ tốt. Và để không bị mất sức quá nhanh thì mochi chính là vị cứu tinh số một bởi thành phần bột gạo nếp sẽ cung cấp dinh dưỡng giúp cơ thể duy trì được năng lượng trong một khoảng thời gian dài. Ấy cũng chính là lý do ngày mochi được chọn cùng ngày với Hội thể thao toàn quốc.
Các loại bánh Mochi
Dưới sự sáng tạo vô hạn của con người, bánh mochi có đến hàng trăm loại bánh khác nhau với nhiều hương vị được mọi người thêm vào. Tuy vậy, vẫn có những loại bánh mochi đặc trưng và thông dụng mà hầu như người Nhật nào cũng đều biết đến. Có thể kể tên như: Daifuku Mochi, Ichigo Daifuku, Kusa mochi, Ice Cream Mochi, Oshiruko Mochi, Zoni Mochi, Kinako Mochi, Sakura Mochi, Hishi Mochi, Hanabira Mochi, Dango Mochi, Natto Mochi, Zunda Mochi,...
Có thể nói, đằng sau mỗi món ăn đều ẩn chứa một câu chuyện bên trong mà người đầu bếp luôn muốn gửi gắm đến. Đằng sau chiếc bánh mochi bé nhỏ đó chính là tín ngưỡng, là tinh thần và tinh hoa của cả một dân tộc luôn muốn gửi gắm vào.
Nếu có thời gian ghé đến xứ sở Phù Tang, du khách đừng quên thưởng cho bản thân ngay những chiếc bánh mochi dẻo thơm nhé. Chắc rằng với chiếc bánh tuy nhỏ mà có võ này sẽ giúp du khách hiểu hơn về con người và ẩm thực Nhật Bản. Chúc du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời!
VJIIC