7 năm về trước, chàng trai trẻ này từng đối diện với một cái “án tử” khi hay tin mình bị ung thư giai đoạn 3. Nghị lực, may mắn cộng với những liệu pháp điều trị tuyệt vời từ nền y học tiên tiến Nhật Bản đã cứu anh khỏi lưỡi hái tử thần. Sau lần được “tái sinh” này, anh nguyện làm một nhịp cầu nối những bờ vui, giúp những người kém may mắn được hưởng niềm hạnh phúc vô bờ như mình. Đó là câu chuyện của anh Đỗ Quang Ba - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP hợp tác Y tế Việt Nam Nhật Bản.
■ Gương mặt trang bìa. Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội
Bất ngờ thoát..."án tử"
● Được biết cơ duyên anh trở thành doanh nhân hơi khác biệt vì bắt nguồn từ việc thoát bệnh hiểm nghèo của bản thân. Quả là một điều vi diệu phải không?
- (Cười), bạn dùng chữ vi diệu là đúng. Tôi thấy dường như cuộc đời đã ưu ái tôi, tái sinh tôi để lại được cống hiến cho đời. Năm 2010, khi còn là một thanh niên khỏe mạnh, tôi không mảy may nghĩ mình đã mang trọng bệnh. Sau một cơn đau dữ dội, tôi phải nhập viện thì các bác sỹ chẩn đoán là tôi đã bị ung thư giai đoạn 3. Tôi không tin vào kết quả. Sau đó là những chuỗi ngày suy sụp. Với tôi, đó là “án tử” được báo trước. Trong lúc khó khăn đó, tôi được một người bạn Nhật Bản, mà nói đúng hơn là một đối tác người Nhật đã làm việc với nhau nhiều năm trước đó, sang tận Việt Nam để hỗ trợ thủ tục đưa tôi sang Nhật chữa bệnh.
Sau ca phẫu thuật thành công là 3 đợt điều trị hoá chất bằng những hoá chất mới mà ở Việt Nam chưa có, kết hợp với điều trị miễn dịch và sau đó là tăng cường sức đề kháng bằng liệu pháp tế bào gốc thì các bác sỹ Nhật Bản đã kết luận trong cơ thể tôi đã loại bỏ dần được tế bào ung thư. Không tin kết quả đó là sự thật, mặc dù khi đó nguồn tài chính của tôi đã cạn kiệt, tôi vẫn vay mượn và bán cả căn nhà đang ở để sang Pháp và Mỹ kiểm tra lại. Kết quả cho tôi tin: Tôi đã thoát khỏi “án tử”. Niềm hạnh phúc dâng tràn trong tôi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn! Và suy nghĩ đầu tiên của tôi là cần phải làm gì đó để hỗ trợ cho những bệnh nhân có chung hoàn cảnh với mình có thêm tia hy vọng được cứu sống hoặc kéo dài sự sống tại một đất nước có nền y học phát triển bậc nhất thế giới này. Với chỉ một mình tôi thì sẽ khó có thể thực hiện được tâm nguyện này. Tôi cần phải có những đối tác tin cậy phía Nhật Bản và những cộng sự đắc lực phía Việt Nam để thực hiện điều đó. Và đó cũng là lý do tôi thành lập Công ty hợp tác y tế Việt Nam Nhật Bản (VJIIC).
● Vạn sự khởi đầu nan, hẳn anh cũng không tránh khỏi quy luật đó đúng không?
- Khó khăn chồng chất khó khăn, bởi tôi lập công ty trong hoàn cảnh cũng rất đặc biệt. Ngoài niềm vui, niềm tin mãnh liệt, tôi chẳng có gì. Tiền không, nguồn tài chính bao lâu tích lũy đã cạn kiệt sau khi dốc toàn bộ tài sản để chữa bệnh. Sức khỏe giảm sút sau quá trình điều trị dài. Rồi thì đến khó khăn về thủ tục giấy tờ vì lĩnh vực hoạt động này chưa ai làm và còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Khó khăn về nhân lực vì cần phải có những cộng sự có tâm huyết và cả chuyên môn y tế cộng thêm tiếng Nhật phải giỏi mới đồng hành được. Lại thêm khó khăn về đối tác phía Nhật vì chưa có gì để gây được lòng tin với họ. Tuy nhiên, với tôi khó khăn lớn nhất đó là những tháng ngày chống chọi với bệnh tật thì tôi đã vượt qua. Vậy thì những khó khăn kia có nghĩa lý gì nữa. Tôi khắc phục từng bước và phá vỡ từng rào cản theo cách riêng và từ tốn để thực hiện ước mơ chính đáng của mình.
■ Giáo sư, bác sỹ YOKOYAMA HIROMI - chủ tịch tập đoàn y tế ISHINKAI Nhật Bản. Ảnh: NVCC
● Và cuối cùng anh cũng đã chạm được đến thành công. Yếu tố nào giúp anh vượt qua được vô vàn khó khăn đó
- Theo tôi đó là kết quả của 2 yếu tố: Đam mê và chính đáng. Tôi đam mê thực hiện ý tưởng với một quyết tâm cao nhất dù không ít bạn bè và người thân ái ngại thậm chí khuyên can. Chính đáng vì tôi thấy đây là việc tốt đẹp tôi cần phải sẻ chia với tất cả những ai đã, đang và có thể có ngày rơi vào tình trạng trước kia của tôi.
Tuy nhiên, nếu chỉ làm việc bằng sự tâm huyết mà không hiểu sâu về chuyên môn, không tạo cho mình những kiến thức cơ bản để phục vụ tốt cho công việc thì lòng tốt chưa chắc đã đem lại hiệu quả tốt. Là cử nhân Tiếng Nhật, đã từng học tập và làm việc nhiều năm tại Nhật Bản, tôi đã tìm hiểu rất nhiều các tài liệu bằng tiếng Nhật và theo chân các giáo sư bác sỹ Nhật Bản trong những lần nghiên cứu bệnh án hay trực tiếp làm phiên dịch viên y tế tại các bệnh viện Nhật Bản, giờ tôi đã tự tin hơn rất nhiều và chia sẻ những kinh nghiệm đó cho các cộng sự của tôi để vượt qua được vô vàn khó khăn đó.
"Em ạ, Nhật Bản thật tuyệt vời!"
● Anh từng nói như vậy để thể hiện tình yêu với Nhật Bản, nơi đã “tái sinh” mình. Hẳn đây là đất nước cho anh nhiều cảm xúc?
- Nhật Bản là một đất nước tuyệt vời! Tuyệt vời về văn hóa, về con người, về sự sáng tạo. Tôi may mắn được sinh sống trên nước Nhật một thời gian, nên tôi cảm nhận được Nhật Bản ở đa khía cạnh, khía cạnh nào cũng thật tuyệt vời. Và đến khi tôi được tái sinh trên nước Nhật, thì tôi thấy cần phải xem đây là đất Mẹ thứ 2 của tôi. Nơi đây đã lưu dấu trong tôi nhiều kỷ niệm, nhất là thời kỳ điều trị. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm mà mỗi lần nghĩ đến vẫn rưng rưng cảm xúc. Chuyện là trong lần tình cờ gặp một du khách của Nhật Bản đến Việt Nam, một người phụ nữ không còn trẻ, và không may bà bị ốm, lúc đó tôi đang làm Hướng dẫn viên tiếng Nhật đã mua cho bà một bát cháo. Một cử chỉ bình thường hay đúng hơn đó là một trách nhiệm của tôi, mà với bà là một sự biết ơn sau đó.
Về Nhật Bản, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau như những người bạn. Khi biết tôi đang chữa bệnh tại Nhật Bản, dù đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn chẳng ngại đường xa, lái xe từ thành phố Fujisawa của tỉnh Kanagawa lên bệnh viện ở Tokyo nơi tôi đang điều trị để thăm. Vì điện thoại tôi dùng lúc đó là mượn của một bạn du học sinh.
Việt Nam, chưa kịp thanh toán tiền nên tạm thời bị ngắt không liên lạc được. Tôi chỉ có thể nhắn tin hoặc gọi điện khi có bạn đó cầm theo cục phát wifi trở về. Tôi về phòng trọ và không hay bà vượt hàng trăm cây số đến thăm tôi. Đến bệnh viện thì bác sỹ cho biết là tôi đã về nhà. Bà không liên lạc được với tôi cho đến khi thất vọng quay về đến nhà thì nhận được tin nhắn qua hệ thống gửi tin nhắn miễn phí. Tôi gửi cho bà ấy địa chỉ nơi mà tôi đang ở, nhưng tôi không biết là bà ấy hỏi địa chỉ để đến thăm tôi. Tuổi cao và đi quãng đường rất xa, song nhận được tin nhắn của tôi, bà lại tiếp tục quay lại. Gần cả ngày đi và về, đến lúc gặp nhau thì thì trời cũng đã gần tối, tôi xúc động vô cùng, đã ôm bà khóc khi biết khi biết bà đã một mình lái xe 1 quãng đường xa bằng quãng đường từ Nghệ An ra Hà Nội, để có thể thăm tôi, động viên tôi.
● Nhật Bản tuyệt vời cả về sự sáng tạo mà anh nói ở đây là khía cạnh y học đúng không? Anh nhận xét về nên y học Nhật Bản thế nào?
- Nhật Bản có một nền y học phát triển toàn diện. Đó là sự kết hợp tổng thể một cách chuẩn mực của các 3 yếu tố: Con người, cơ sở vật chất và công nghệ kỹ thuật. Con người là vấn đề đạo đức, biết ơn khách hàng là nét văn hoá đặc trưng trong tính cách của người Nhật. Với các bệnh nhân, họ phục vụ tận tâm bởi đơn giản bệnh nhân là những khách hàng của họ.
Về cơ sở vật chất và công nghệ kỹ thuật thì khỏi phải bàn. Nhật Bản là một quốc đảo không có lợi thế để phát triển nông nghiệp, nên họ tập trung vào công nghệ chế tạo máy móc và phần mềm từ rất sớm, trong đó có công nghệ chế tạo thiết bị y tế. Rất nhiều thiết bị y tế đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới đều xuất phát từ các hãng của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng phải trải qua một giai đoạn khó khăn sau thế chiến thứ Hai. Bị ảnh hưởng của 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống vùng Hiroshima và Nagasaki nên số lượng bệnh nhân bị ảnh hưởng của chất phóng xạ, bệnh nhân bị mắc rất nhiều các chứng bệnh hiểm. Bởi vậy, người Nhật đã phải tập trung nghiên cứu để đưa ra các công trình nghiên cứu khoa học, các phương pháp điều trị hiệu quả từ rất sớm. Ngày nay, có những phương pháp điều trị được thế giới sử dụng rộng rãi như các phương pháp điều trị truyền thống, phần lớn là thành quả nghiên cứu của các giáo sư, bác sỹ người Nhật Bản. Để đánh giá nền y học Nhật Bản hãy nhìn vào tuổi thọ của người dân nước họ. Người Nhật được đánh giá là người có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
■ VJIIC vinh dự nhận giải thưởng Doanh nghiệp cống hiến vì sự nghiệp phát triển đất nước. Ảnh: T.L
Nền Y học tiên phong và đột phá
● Y học đóng vai trò quan trọng nâng tuổi thọ trung bình của người Nhật, vậy theo anh, họ thành công trong lĩnh vực Y học thế nào?
- Một trong những yếu tố dẫn đến việc người Nhật có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, đó là bởi vì người Nhật có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh từ khi còn sớm, đồng thời đó còn là nhờ những tiến bộ vượt bậc về y học dự phòng. Nhật Bản là nước sản xuất trên 10 loại vắc xin phòng bệnh mà hiện nay công nghệ chế tạo những vắc xin này cũng dần được chuyển giao cho Việt Nam như: Vắc xin phòng bệnh viêm gan A, vắc xin phòng bệnh lao, vắc xin phòng ngừa viêm màng não, vắc xin phòng ngừa viruts Rota, vắc xin phòng ngừa bệnh thuỷ đậu, vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung... Ngoài những loại vắc xin phòng ngừa bệnh thì Nhật Bản còn có những tiến bộ vượt bậc trong việc chẩn đoán nhanh, phát hiện sớm và độ chính xác cao. VD như: bằng công nghệ xét nghiệm gien, xét nghiệm chỉ số AICS để dự đoán nguy cơ ung thư, chỉ số LOX Index dự đoán nguy cơ đột quỵ não và nhồi máu cơ tim, chỉ số ApoE dự đoán bệnh đãng trí và mất khả năng trí nhớ, chỉ số ADH1B cho biết khả năng thích ứng nồng độ cồn trong cơ thể ...
Nhật Bản được xem như một đất nước có những tiến bộ vượt bậc trong việc điều trị bệnh bằng các phương pháp phẫu thuật không xâm lấn. Chẳng hạn như: Tiêm thuốc để điều trị U não, U tuyến giáp. Dùng công nghệ chùm bức xạ ion các bon để điều trị rất nhiều các loại bệnh ung thư khu trú không cần phẫu thuật mà hiệu quả điều trị rất cao...
Gần đây nhất, Cục y tế tái sinh, Bộ Y tế và lao động Nhật Bản cũng đã cho phép rất nhiều cơ sở y tế trong nước Nhật Bản thực hiện các nghiên cứu lâm sàng sử dụng liệu pháp tế bào gốc trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị cho rất nhiều loại bệnh khác nhau. Đây cũng là một tín hiệu trong việc đột phá vượt bậc của nghành y tế Nhật Bản
● Điều trị bằng tế bào gốc là một trong những tiến bộ vượt bậc mang tính đột phá, anh có thể chia sẻ để bạn đọc hiểu rõ hơn điều này?
Tế bào gốc có khả năng tự thay mới mình và biệt hoá thành các tế bào chuyên biệt khác nhau để tạo nên các mô, các cơ quan khác nhau của cơ thể. Nó có thể thay thế cho tế bào ở các mô, các cơ quan bị mất đi do già, do chết tự nhiên hoặc bị tổn thương do các nguyên nhân khác nhau. Có 3 loại tế bào gốc chính: Tế bào iPS hay còn gọi là tế bào gốc vạn năng cảm ứng. Tế bào ES hay còn gọi là tế bào gốc phôi thai hay phôi tế bào gốc. Việc sử dụng tế bào ES không được khuyến khích vì liên quan đến vấn đề đạo đức con người vì nó có trong phôi thai nhi. Loại thứ ba là tế bào gốc tự thân, là tế bào có trong cơ thể con người như tế bào gốc trung mô có trong mỡ hoặc trong tuỷ xương, tế bào gốc máu hoặc tế bào có trong các tổ chức như cơ, bắp, da... Là tế bào gốc tự thân nên khi được truyền vào chính cơ thể của người đó sẽ có độ an toàn cao và không xảy ra phản ứng đào thải.
Tác dụng của tế bào gốc rất lớn. Nó có khả năng chống lão hoá, trẻ hoá làn da, tăng sức đề kháng và kéo dài tuổi thọ. Số lượng tế bào gốc giảm dần theo tuổi tác. Tế bào gốc giảm làm ảnh hưởng đến sự tái tạo tổ chức tổn thương gây ra hiện tượng lão hoá. Giảm tế bào gốc cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh. Tế bào gốc có thể dùng để điều trị và hỗ trợ điều trị cho trên 100 loại bệnh khác nhau đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo, các bệnh về máu, các bệnh về não, tủy sống…
Tổ chức y tế ISHINKAI Nhật Bản phối hợp với bệnh viện đại học Nhật Bản đã trao độc quyền cho công ty VJIIC để hỗ trợ mọi vấn đề liên quan giúp bệnh nhân Việt Nam tiếp cận với công nghệ y học tiến bộ này một cách nhanh chóng và thuận lợi tại Nhật Bản
Nguyện làm chiếc cầu "nối những bờ vui"
●VJIIC là cầu nối giữa khách hàng Việt Nam với nền y học Nhật Bản, anh thấy mình đã thành công thế nào?
- Với mục tiêu làm cầu nối giữa khách hàng Việt Nam với nền y học Nhật Bản nên cứ một người được tiếp cận là một niềm vui, một thành công với tôi. Hiểu theo nghĩa đó thì tôi cũng đã có được hàng trăm niềm vui và sự thành công rồi (Cười). Dù thời gian thành lập chưa lâu (gần 3 năm đến hiện tại đã có hàng trăm bệnh nhân được VJIIC hỗ trợ đưa sang Nhật Bản để khám và điều trị bệnh. Chủ yếu là những bệnh nan y khó chữa. Rất nhiều bệnh nhân trước khi sang Nhật điều trị đang bị khủng hoảng tinh thần và vô cùng tuyệt vọng với tình trạng bệnh của mình. Vậy nhưng sau khi kết thúc điều trị ở Nhật trở về, tôi đã nhìn thấy nét tươi vui và nụ cười trở lại trên khuôn mặt từng bệnh nhân và niềm hạnh phúc của những người thân trong gia đình họ. Theo tôi đó là thành công lớn nhất của cá nhân tôi và của cả công ty VJIIC.
● VJIIC đã làm gì trong quá trình nối những niềm vui đó?
- Để bệnh nhân có thể tới Nhật khám và điều trị bệnh một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi kết hợp với đội ngũ giáo sư bác sỹ Nhật Bản là Ban cố vấn y tế cho VJIIC tư vấn tỉ mỉ về các gói khám và điều trị, để giới thiệu và lựa chọn cơ sở y tế phù hợp nhất cho tình trạng bệnh của bệnh nhân. Đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trong suốt quá trình bệnh nhân lưu trú tại Nhật Bản. Từ việc thu thập thông tin tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, điền mẫu thăm khám sức khoẻ, hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm, biên dịch hồ sơ bệnh án sang Tiếng Nhật hoặc Tiếng Anh, hỗ trợ thủ tục xin visa y tế, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đưa đón bệnh nhân và người thân đi cùng….
Ngoài ra, qua những buổi mời giáo sư bác sỹ Nhật Bản sang Việt Nam thăm khám và tư vấn miễn phí cho bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân không có đủ điều kiện kinh tế để sang Nhật chữa trị, cũng đã phần nào giúp cho bệnh nhân có sự lựa chọn điều trị và sinh hoạt đúng hướng tại Việt Nam. Với phương châm "đem lại sức khỏe và tính mạng cho người bệnh", VJIIC đóng vai trò cầu nối giúp bệnh nhân Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ y học hiện đại của Nhật Bản.
+ Cám ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này.
MAI QUỲNH (thực hiện)
Hiện những bệnh nhân biết đến VJIIC chủ yếu là những bệnh nhân ở khu vực phía Bắc, thường là những bệnh nhân được những bệnh nhân khác hoặc người nhà đã từng đi khám hoặc điều trị tại Nhật thông qua VJIIC trở về giới thiệu cho nhau. Đầu năm 2017 VJIIC cũng đã mở văn phòng đại diện tại TP. HCM và sắp tới dự định sẽ tiếp tục mở văn phòng đại điện ở một số tỉnh và thành phố lớn trên cả nước, để bệnh nhân tiện liên lạc và trao đổi trực tiếp mà không phải đến tận văn phòng ở Hà Nội. Đồng thời kết nối các tổ chức y tế uy tín của Nhật Bản chuyển giao một số công nghệ y học tiên tiến của Nhật Bản để bệnh nhân Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ y học của Nhật Bản ngay tại Việt Nam. |
VJIIC