Sumo Nhật Bản - Những điều bạn có thể bạn chưa biết

Nhắc đến những nét đặc trưng của nước Nhật, không thể không nhắc đến Sumo. Đây là môn võ truyền thống của người Nhật. Sumo không đơn thuần là một môn thể thao, mà cao hơn, đó là tín ngưỡng, là tinh hoa văn hóa của “đất nước mặt trời mọc”.

Sumo là gì?

Sumo là môn đấu vật truyền thống, có nguồn gốc từ Nhật Bản. Hiểu theo một nghĩa khác, môn đấu vật này cũng có liên quan đến võ thuật và được xem là một nhánh của võ thuật “xứ Phù tang”.

Khi thi đấu, hai võ sĩ sẽ đứng trong một vòng tròn. Chỉ cần đẩy được đối thủ ra ngoài vòng tròn hay khiến bất kỳ bộ phận nào khác ngoài bàn chân của đối thủ chạm đất là chiến thắng. Tại Nhật Bản, có những lò đào tạo Sumo và các giải đấu Sumo chuyên nghiệp.

 

 

Nguồn gốc và lịch sử của môn đấu vật Sumo

Là môn đấu võ cổ xưa, gắn liền với đời sống tinh thần của người Nhật, Sumo được cho là xuất hiện từ thần thoại Nhật Bản. Môn võ này từng là nghi lễ xem bói mùa vụ trong năm xem có được bội thu hay không.

Về sau, văn hóa các Thiên Hoàng thưởng lãm lễ hội Sumo (相撲節会) đã lưu truyền hơn 300 năm. Từ khoảng thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 16, môn võ được áp dụng để các võ sĩ rèn luyện, đến sang thời đại Edo thì được người dân ưa chuộng như một thú vui giải trí. Sự biến đổi này đến từ sự kiện Kanjin Sumo được tổ chức nhằm tăng chi phí cần thiết cho việc xây dựng và trùng tu chùa đền. Sự kiện Kanjin Sumo này cũng là điểm bắt nguồn cho việc thú vui giải trí Sumo trở thành giải đấu như ngày nay. Hình thức sân đấu, tóc búi, khố đóng và cách hoạt động cũng được lưu lại như thời Edo, trở thành môn võ quý báu còn lưu giữ văn hóa truyền thống cổ đại.

 

Sumo có nguồn gốc lâu đời

 

Tìm hiểu về Sumo – Biểu tượng văn hóa của đất nước mặt trời mọc

Văn hóa sumo Nhật Bản

Trong đời sống văn hóa của người Nhật, Sumo được coi như môn võ cổ truyền, có lịch sử lên đến 1500 năm. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố, Sumo vẫn được lưu truyền, bảo tồn, và trở thành một trong những đặc trưng của quốc gia này.

Không chỉ là một môn võ thuật, Sumo còn mang trong mình tính biểu diễn và nghi thức tôn giáo.Các động tác chào hỏi, dậm chân hay ném muối đều ít nhiều có liên quan đến thần đạo – một trong hai tôn giáo phổ biến nhất xứ Phù Tang. Chính vì thế, sumo Nhật cũng có văn hóa riêng và các quy chuẩn đạo đức cho các võ sĩ buộc phải tuân thủ.

 

 

Những võ sĩ sumo có thu nhập rất cao

Sumo được chia ra nhiều cấp bậc, và mỗi cấp bậc sẽ có mức lương tương ứng. Vậy lương của các võ sĩ Sumo như thế nào?

Thực tế, lương của các võ sĩ Sumo rất cao. Cụ thể, Sumo được phân chia thành 6 hạng, và mỗi hạng đều quy định số lượng võ sĩ tối đa. Khi một võ sĩ lên hạng thì chắc chắn sẽ có một võ sĩ khác phải xuống hạng để nhường lại vị trí đó.

Các võ sĩ có hạng thấp nhất có mức lương khoảng 9.500 USD/tháng (218 triệu VNĐ), các võ sĩ có hạng cao hơn sẽ có mức lương tăng dần và hạng cao nhất có mức lương vào khoảng 26.500 USD/tháng (609 triệu VNĐ).

 

Luật lệ trong giới sumo Nhật

Trong giới Sumo có rất nhiều luật lệ khắt khe, yêu cầu các võ sĩ phải tuân thủ. Trường hợp không tuân thủ có thể bị phạt tiền hay cấm thi đấu. Một số luật lệ có thể kể đến như:

Các võ sĩ cùng trại huấn luyện không được thi đấu cùng nhau

Anh em họ hàng không được thi đấu với nhau.

Các võ sĩ sumo phải để tóc dài để búi lên.

Các võ sĩ sumo không được lái xe.

Chiều cao tối thiểu của sumo là 1m73

Trang phục của các võ sĩ được quy định bởi cấp bậc

 

 

Chế độ ăn của các võ sĩ sumo Nhật

Rất nhiều người băn khoăn về chế độ ăn của các võ sĩ Sumo. Để có được thân hình “khổng lồ” như vậy, các võ sĩ phải tuân thủ theo chế độ luyện tập và ăn uống riêng.

Buổi sáng các võ sĩ sumo sẽ nhịn và chỉ ăn bữa trưa và bữa tối. Mỗi bữa các võ sĩ sumo đều ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng và nạp vào cơ thể khoảng 8000 calo cho mỗi bữa ăn gấp gần 4 lần so với một người bình thường. Sau khi ăn trưa, các võ sĩ sẽ đi ngủ để giúp tăng lượng mỡ trong cơ thể.

 

 

Chế độ luyện tập của Sumo như thế nào?

Đi liền với chế độ ăn uống, các võ sĩ cũng phải thực hiện chế độ luyện tập rất hà khắc. Họ có thể phải dậy từ lúc 5h sáng và chỉ khoác trên mình một chiếc áo mỏng, kể cả mùa đông lạnh giá. Bên cạnh đó, những Sumo tập sự sẽ phải phục vụ các Sumo có cấp bậc cao hơn.

 

 

Trọng lượng của các võ sĩ Sumo

Để trở thành vận động viên chuyên nghiệp, các Sumo Nhật Bản phải tăng cường sức khỏe cũng như cân nặng của mình để đạt được hình thể mập mạp và khỏe khoắn.

Do không có quy định cụ thể về hạng cân trong môn Sumo chuyên nghiệp nên trọng lượng của các võ sĩ hàng đầu khác nhau rất nhiều. Có nhiều trường hợp, võ sĩ phải đối đầu với đối thủ nặng gấp đôi trọng lượng của mình.

 

 

Võ sĩ Sumo phải mặc trang phục truyền thống

Cuộc sống của Sumo bị chi phối bởi rất nhiều các quy tắc nghiêm ngặt. Thậm chí, họ không được phép chọn lựa quần áo theo ý muốn của mình. Mái tóc của họ được nuôi dài, búi lên giống như kiểu tóc của các Samurai thời Edo.

Vào mọi lúc mọi nơi, các võ sĩ sẽ luôn để kiểu tóc búi này và mặc trang phục truyền thống. Vì thế, bạn có thể dễ dàng nhận ra võ sĩ Sumo  tại những địa điểm công cộng.

Môn võ Sumo có 6 đẳng cấp khác nhau: Makuuchi, Juryo, Makushita, Sandanme, Jonidan và Jonokuchi. Theo quy định của Hiệp hội Sumo, mỗi võ sĩ sẽ mặc trang phục truyền thống và có kiểu búi tóc tùy theo đẳng cấp của mình. Từ đẳng cấp Jonidan trở xuống, các Sumo mặc trang phục Yukata, đi dép Geta. Với đẳng cấp cao hơn (Makushita và Sandanme) họ có thể mặc thêm chiếc áo khoác ngắn bên ngoài áo Yukata, mang dép Zori. Những võ sĩ đạt đẳng cấp từ Juryo trở lên thì mặc áo choàng bằng lụa và búi tóc theo kiểu trau chuốt hơn, có tên là Oicho.

 

 

Sumo nữ

Tại những giải đấu Sumo chuyên nghiệp, nữ giới bị cấm lại gần khu vực thi đấu. Tuy nhiên, Sumo nữ vẫn tồn tại và chỉ được xếp vào loại nghiệp dư. Trong quá trình thi đấu, Sumo nữ vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc của thầm đạo, nhưng được điều chỉnh phù hợp như không được tấn công vào vùng ngực hay không được dùng đầu tấn công.

Cuộc thi Sumo nữ được tổ chức đầu tiên tại tỉnh Aomori và hiện ngày càng có nhiều nữ giới đăng ký tham gia môn đấu vật này.

 

 

Cuộc sống đời thường của võ sĩ Sumo

Võ sĩ Sumo có cuộc sống như thế nào? là vấn đề nhiều người thắc mắc. Những võ sĩ chuyên nghiệp buộc phải vào các trại huấn luyện tập trung và phải tuân thủ đúng các quy tắc khắt khe về cách ăn mặc, chế độ luyện tập cũng như ăn uống. Thậm chí, khi xuất hiện ở các nơi công cộng, các võ sĩ phải mặc các trang phục truyền thống để người khác nhận ra họ như một võ sĩ sumo, trang phục này được quy định tùy theo cấp bậc.

Ngoài cuộc sống bên trong trại huấn luyện, các võ sĩ sumo vẫn có cuộc sống như một người bình thường và có vợ con.

 

 

Tự kiểm soát hành vi và thái độ

Ngoài những quy định nghiêm ngặt về chế độ luyện tập, võ sĩ Sumo còn phải tự kiểm soát thái độ cũng như hành vi của mình. Trong lúc họ luyện tập, bạn sẽ không nghe thấy tiếng trách mắng khi một ai đó luyện tập sai cách, bởi tất cả diễn ra rất nhẹ nhàng. Họ chỉ sử dụng động tác để ra hiệu.

Thậm chí, trong trận đấu, họ cũng phải kiềm chế cảm xúc của bản thân, không tỏ ra vui vẻ khi chiến thắng hay ngược lại, thất vọng, buồn bã khi thua cuộc.

 

Sumo không được phép lái ô tô

Đây là luật lệ nghiêm khắc trong giới Sumo. Lý do ra đời của đạo luật này không phải do kích cỡ thân hình “quá khổ” của họ mà chính là một lỗi lầm trong quá khứ của một Sumo gây nên.

Người này đã gây tai nạn nghiêm trọng, khi được kiểm tra thì được biết Sumo này không có giấy phép lái xe và giấy tờ liên quan. Tin tức này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người trong giới Sumo nên Hiệp hội quyết định ban hành lệnh cấm lái xe ô tô cho các Sumo.

 

Tuyệt đối tuân thủ lời thề

Cùng với việc thực hiện các nghi thức để tôn vinh thần linh, võ sĩ Sumo phải tuân thủ lời thề trọn đời gắn bó với môn võ thuật này. Họ không được tham gia bất kỳ một môn thể thao nào khác sau khi đã giải nghệ.

VJIIC


zalo
0943341333