Đến chùa Naritasan Shinsoji, mình được tận mắt chiêm ngưỡng di sản kiến trúc Phật giáo tồn tại hàng nghìn năm ẩn chứa sự giao thoa giữa nét cổ kính và hiện đại; đắm chìm trong không gian yên bình của công viên ngập cỏ cây và đi dạo trên con đường Omote Sando. Đó là những trải nghiệm khó quên của mình khi đến Nhật Bản vào những ngày chớm xuân.
Narritasan Shinshoji, ngôi đại cổ tự nổi tiếng linh thiêng của Nhật Bản, là nơi người dân và khách du lịch thường viếng thăm để cầu bình an, sức khỏe khi đến với đất nước mặt trời mọc.
Kiến trúc đồ sộ, không gian yên bình, đậm màu sắc văn hóa là ấn tượng của mình khi đến chùa Naritasan hồi tháng 2 năm nay.
Ngôi chùa Naritasan Shinshoji gần 1000 năm tuổi thờ vị thần lửa Fudo Myoo tọa lạc tại thành phố Narita, tỉnh Chiba, cách sân bay Narita khoảng 8 km về phía đông. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất Nhật Bản.
Với bề dày lịch sử, kiến trúc ấn tượng, lễ tục phong phú và ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc, chùa Naritasan Shinshoji ngày nay vẫn là một điểm hành hương quan trọng của tín đồ Phật giáo và du khách khi đến với xứ sở mặt trời mọc.
Mặt ngoài chùa Naritasan Shinshoji
Narita là từ ghép lại từ tên hai ngôi làng Narimune và Tabata. Đây là khu vực buôn bán sầm uất, cũng là vùng đất của các võ sĩ đạo (samurai) và các tướng quân (shogun) dưới thời kỳ Edo (1603 - 1868). Ngôi chùa được xây dựng năm 940 để tưởng nhớ chiến thắng của một vị tướng quân. Vì vậy, chùa được đặt tên là Naritasan Shinshoji bởi trong tiếng Nhật, Naritasan nghĩa là núi Narita, ý chỉ độ cao của chùa, còn Shinsho-ji nghĩa là "ngôi chùa chiến thắng".
Ngôi chùa chính của Naritasan Shinshoji được khởi dựng bởi Kancho Daisojo, đệ tử của cao tăng Kobo Daishi - người sáng lập ra phái Shinon (Chân Tông). Theo thời gian, trong khuôn viên chùa xuất hiện thêm nhiều công trình như cổng Komyodo được xây dựng năm 1701, cổng chính Niomon xây vào năm 1830, tháp 3 tầng cao 25 m xây năm 1712 hay sảnh lớn Shakado hoàn thành năm 1858. Tổ hợp các công trình tòa nhà, điện thờ, hồ nước, công viên… tạo thành một quần thể kiến trúc Phật giáo rộng lớn và đồ sộ nhưng không kém phần hài hòa. Trong số đó, có 5 tòa nhà là Niomon (cổng Deva), Sanjuno-to (tháp ba tầng), Shakado (Thích Ca Đường), Komyodo (Quang Minh Đường) được coi là tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia.
Tháp 3 tầng cao 25 m ở khu vực trung tâm của chùa được xây dựng năm 1712
Bên cạnh quy mô đồ sộ, ngôi chùa còn khoác lên vẻ đẹp trong kiến trúc ẩn chứa sự tinh tế, tỉ mỉ, tao nhã đậm chất Nhật Bản. Trong các công trình, trong những đường nét chạm trổ tinh xảo ẩn chứa sự giao thoa giữa hơi thở cổ kính và hiện đại.
Du khách viết lời cầu nguyện trong một tấm thẻ và treo ở một khu vực trong khuôn viên chùa
Chùa Naritasan Shinshoji nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng nên người Nhật thường tìm đến đây để cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Mỗi khu vực trong chùa đều chứa đựng giá trị tâm linh sâu sắc. Từ ngoài vào trong, mình đi theo những bậc thang đá từ thấp lên cao. Qua cổng chính Niomon là một hồ nước thiêng hứng lấy nước từ trên núi chảy xuống. Có một niềm tin rằng, ai uống nước trong hồ này sẽ được lọc sạch bụi trần, phủi trôi những xui rủi, muộn phiền. Do đó, tín đồ Phật giáo khi đến đây thường thực hiện nghi thức rửa tay, uống nước cầu mong may mắn và sức khỏe.
Cổng chính Niomon được xây dựng năm 1830
Khu vực hồ nước thiêng sau khi bước vào cổng chính
Du khách thực hiện rửa tay bằng nước hồ để phủi trôi những xui rủi, muộn phiền
Qua khỏi khu vực hồ nước thiêng, những bậc thang đưa mình đến khu vực trung tâm chùa có khoảng sân rộng, cây cối xanh tươi và bầu trời cao rộng trong vắt. Tại khu vực này, Điện Phật chính là nơi linh thiêng về mọi mặt của cuộc sống, trong khi điện Shakado được biết đến là nơi linh thiêng về sự may mắn, thần Shusseinari mang đến sự thịnh vượng, thuận lợi trong buôn bán, công việc, cũng như sức khỏe, an toàn trong đi lại.
Những nét chạm khắc tinh xảo trong kiến trúc của chùa
Ngoài các công trình tôn giáo, khuôn viên chùa cũng được bao trùm bởi một không gian yên tĩnh, bình yên và khoáng đạt của công viên Naritasan có diện tích 16,5 ha. Hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1928, công viên được bài trí kết hợp giữa phong cách Nhật Bản và châu Âu. Du khách đến viếng thăm chùa có thể đi dạo, sải bước trên những con đường lát đá và tận hưởng không gian tĩnh mịch, trong lành, thoáng đãng được bao phủ bởi cây cối thay áo mới bốn mùa và tiếng chim, tiếng gió trong veo. Mỗi mùa trong năm, công viên khoác lên mình những chiếc áo với vẻ đẹp khác nhau. Mùa xuân, những tán mơ và anh đào hoa nở rực lung linh trong nắng, mùi hương ngập trong không khí. Mùa hạ cây lá tươi tốt. Mùa thu, những tán lá phong, bạch quả chuyển sắc đỏ vàng rực rỡ. Mùa thu, tuyết phủ trắng cả khuôn viên chùa. Thời điểm chùa đông khách du lịch nhất là vào mùa xuân và mùa thu.
Khuôn viên chùa được bao phủ bởi cây xanh, cảnh sắc thay đổi bốn mùa
Lễ tục tôn giáo phong phú
Ngoài quy mô đặc sắc, kiến trúc tinh xảo, ngôi đại cổ tự Naritasan Shinshoji còn nổi tiếng là nơi diễn ra nhiều lễ hội, nghi lễ Phật giáo đặc sắc. Trong đó, nghi thức lửa Goma diễn ra hàng ngày tại chùa có truyền thống hàng nghìn năm được xem là nghi lễ quan trọng nhất tại ngôi chùa này. Nghi lễ diễn ra tại sảnh chính của chùa, ai cũng có thể tham gia. Nghi thức này gồm các hoạt động đánh trống, tụng kinh, cầu nguyện, đốt lửa để bày tỏ lòng tôn kính với thần lửa Fudo Myoo. Trước ngọn lửa lớn, các sư thầy sẽ cầu nguyện bình an, xua tan muộn phiền cho những người có mặt tại đó. Người tham gia cũng có thể thỉnh nguyện lên thần lửa những ước nguyện của mình để cầu may mắn, sức khỏe.
Những tán mơ nở trắng trong công viên ở chùa Naritasan Shinshoji vào đầu xuân
Người viếng thăm chùa còn có thể xem bói vận mệnh tương lai được viết trên một miếng giấy và tìm lời giải thích từ các thầy bói xung quanh khuôn viên chùa.
Bên cạnh nghi lễ Goma diễn ra hàng ngày, chùa Naritasan cũng thường xuyên tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa trong suốt một năm. Đến chùa trùng thời gian lễ hội là dịp để du khách tìm hiểu về lễ tục, tín ngưỡng thờ cúng và sống trong không gian văn hóa đậm bản sắc Nhật Bản. Các lễ hội lớn tại chùa có thể kể đến là hội ném đậu nành setubun vào tháng 2, hội Trống vào tháng 4, màn trình diễn nhạc kịch Noh vào tháng 5, lễ hội Gion vào tháng 7, Lễ tạ ơn vào tháng 8 hay sự kiện đốt cháy bùa hộ mệnh hàng năm vào cuối tháng 12.
Trong đó, lễ mừng năm mới là một trong những ngày lễ lớn nhất được tổ chức tại chùa thu hút hàng triệu người đến chùa để cầu nguyện.
Lễ hội setsubun diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản vào ngày 3/2 hàng năm và chùa Naritasan Shinshoji là một trong những nơi lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhất. Đây là lễ hội truyền thống đánh dấu một ngày trước khi bắt đầu mùa xuân ở Nhật Bản, nhằm cầu nguyện thế giới hòa bình, cuộc sống thịnh vượng, mùa màng bội thu. Tại đây diễn ra tục lệ ném đậu nành truyền thống để xua đuổi quỷ dữ. Khi ném đậu, người Nhật tụng một câu tụng truyền thống là "Oni wa soto, fuku wa uchi" (ma quỷ ra đi, phúc lộc vào nhà) nhưng tại lễ hội setsubun ở chùa Naritasan Shishoji, người ta chỉ tụng nửa câu sau là "fuku wa uchi" (phúc lộc đầy nhà) ý chỉ những con quỷ cũng được cảm hóa trước vị thần Fudomyoo."
Đến giữa tháng 4, chùa Naritasan Shinshoji cũng là địa điểm tổ chức một trong những hội trống lớn nhất Nhật Bản với màn biểu diễn của hơn 200 tay trống. Những màn múa trống truyền thống của Nhật và lễ diễu hành trống được tổ chức trước sân chùa.
Lễ hội Takigi Noh được tổ chức ngoài trời vào ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 5, lễ hội này liên quan phần nhiều đến lửa, thu hút nhiều khách nước ngoài tới dự.
Tiếp sau đó, để báo hiệu mùa hè, vào đầu tháng 7, tại chùa Naritasan diễn ra lễ hội Narita Gion. Đây được xem như một lễ hội lớn nhất tại chùa. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với các điệu múa kết hợp âm nhạc và nghi thức diễu hành kiệu đặc sắc. Theo đó, một ngôi đền di động mikoshi cùng 10 chiếc kiệu được trang trí và chạm khắc tinh xảo diễu hành dọc theo lối vào trước chùa và các khu vực xung quanh.
Sau khi viếng chùa, du khách có thể tản bộ theo con đường Omote Sando
Đến với chùa Naritasan Shinshoji, du khách cũng có thể dạo bộ trên con đường Omote Sando dài khoảng 1 km. Tại đây, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà gỗ theo phong cách Nhật Bản, khám phá những cửa hàng ăn uống, đặc sản vùng Narita và quà lưu niệm mang đậm văn hóa xứ sở phù tang. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức các đặc sản của vùng Narita như lươn, cá tươi, trạch và tận mắt xem quy trình chế biến lươn cho món ăn của mình.
VJIIC